Đánh thức tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng Hòa Bình

Chỉ cách trung tâm Hà Nội 76 km, Hòa Bình đang trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần của khu vực miền Bắc, thu hút thị trường lớn nhất cả nước. Sở hữu nhiều tiềm năng du lịch, mỗi năm du lịch tỉnh Hòa Bình đang đón từ 2 đến 3 triệu lượt khách, tăng trưởng từ 10 đến 12%/năm. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, kết quả này vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng Hòa Bình, trong đó có khu sinh thái hồ Hòa Bình cần được đánh thức.

Hòa Bình – Vùng du lịch trọng điểm miền Bắc đang chờ “trỗi dậy”

Nằm ở “cửa ngõ” vùng Tây Bắc Việt Nam, tỉnh Hòa Bình đang là khu vực đối trọng về phát triển kinh tế, du lịch phía Tây Thủ đô Hà Nội. Hòa Bình đang có các tuyến đường quốc lộ (QL) nối thông suốt với Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc gồm QL6, đường Hồ Chí Minh (QL21) và đường Láng – Hòa Lạc – Hòa Bình hiện đang được đầu tư, mở rộng theo hướng cao tốc. Tài nguyên du lịch đa dạng bao gồm có sông, hồ, suối nước khoáng, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia…Đặc biệt, thắng cảnh hồ Hòa Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch để phát triển thành Khu du lịch Quốc gia.

Xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  

Ông Bùi Xuân Trường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đang tập trung vào phát triển du lịch theo hướng sinh thái, du lịch cộng đồng

Hòa Bình được biết đến là tỉnh có nền văn hóa truyền thống lâu đời, với nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn và phong phú. Hiện địa bàn tỉnh có 296 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ. Trong đó, hơn 70 hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình” thời tiền sử nổi tiếng thế giới cách đây hàng chục vạn năm. 41 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 53 di tích cấp tỉnh đã và đang được tu bổ tôn tạo từng bước phát huy giá trị…

Hòa Bình còn là cái nôi của cộng đồng dân tộc người Mường tại bản Ngòi (xã Ngòi Hoa), xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đá Bia và xóm Mó Hẻm (xã Tiền Phong)…sẽ là một trải nghiệm lý thú cho những ai ưa thích các hoạt động trải nghiệm như: trekking, thăm bản làng, khám phá các hang động nguyên sơ.

Bên cạnh đó, Hòa Bình có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển loại hình nghỉ dưỡng. Chẳng hạn như nguồn nước khoáng Kim Bôi hay Mỹ Hảo, đây là một trong những nguồn nước khoáng tốt nhất Việt Nam để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt, lòng Hòa Bình có nhiều tiềm năng lớn về du lịch chưa khai thác hết mà không phải địa phương nào cũng có.

Hồ sinh thái Hòa Bình – Khu du lịch sinh thái hấp dẫn

Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình nhìn từ trên cao

Với diện tích mặt nước khoảng 8.000 ha và chiều dài bờ hơn 100km, lòng hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn nhỏ bố trí sơn thủy hữu tình. Đây được coi là địa điểm du lịch sinh thái, khám phá hấp dẫn tại khu vực Tây Bắc. Hiện hồ Hòa Bình cũng là hồ lớn nhất Việt Nam, phạm vi trải rộng trên địa bàn 4 huyện, thành phố, bao gồm: Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và thành phố Hòa Bình.

Hiện nhiều đảo ở lòng hồ đã được đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái hấp dẫn như: đảo Dừa, đảo Xanh, nhà nghỉ Cối Xay Gió…thu hút đông đảo du khách. Đảo Dừa được thiết kế độc đáo với kiến trúc nhà sàn cùng các hoạt động du lịch đặc sắc như câu cá, hái quả, bơi thuyền, đốt lửa trại…và thưởng thức những món ăn mang hương vị đặc trưng của người dân bản địa.

Trong Khu du lịch hồ Hòa Bình, còn có các hang động Karst nguyên sơ như: động Thác Bờ, động Hòa Tiên là những danh thắng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Với những giá trị tài nguyên du lịch đầy tiềm năng trên, ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển lòng hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, lộ trình thực hiện quy hoạch này đến năm 2030.

Ðánh thức tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng Hòa Bình

Trước các tiềm năng, thế mạnh trên, lãnh đạo UBND tỉnh đã đưa ra nhiều Nghị quyết, chương trình mục tiêu để “đánh thức” du lịch nghỉ dưỡng Hòa Bình. Trong đó, Nghị quyết số 10-NQ/TU năm 2016, Kết luận 37-KL/TU năm 2021, Quyết định số 1795 – Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030…

Theo Nghị quyết số 10-NQ/TU, sau 5 năm (2015 – 2020) triển khai, tỉnh Hòa Bình đã thu hút được trên 4,1 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2019, toàn tỉnh đón 3,1 triệu lượt du khách, tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 2.075 tỷ đồng. Trong 2 năm dịch COVID-19 kéo dài, số lượng khách có giảm nhưng năm 2022, tỉnh vẫn đặt mục tiêu đón 3,76 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 3.400 tỷ đồng.

Hòa Bình sở hữu nhiều tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng chưa được khai phá hết

Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư gồm 72 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực, chiếm khoảng 12,2% tổng số dự án, với số vốn đăng ký gần 20.600 tỷ đồng. Khu du lịch hồ Hòa Bình bước đầu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trở thành khu du lịch quốc gia; đầu tư xây dựng huyện Mai Châu thành khu du lịch cấp tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 37-KL/TU năm 2021 và UBND tỉnh có Quyết định số 1795, xác định: phát triển du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Cụ thể: Mục tiêu đến năm 2025, thu hút đầu tư đạt trên 6,3 nghìn tỷ đồng, cơ sở lưu trú đạt trên 6.000 phòng, lượng khách đạt 4,9 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm từ 30 đến 40% cơ cấu GRDP toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn có thương hiệu về đầu tư và phát triển du lịch trong và ngoài nước đến  nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình và một số huyện có tiềm năng phát triển du lịch như: Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn… Đặc biệt mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát lập dự án được quy hoạch tại 6 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch Quyết định số 439/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.

Có nên đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Hòa Bình?

Phát biểu tại Toạ đàm, PGS.TS. Trần Kim Chung cho biết, có nhiều lý do để khách hàng chọn lựa sản phẩm bất động sản để đầu tư ở những địa bàn xung quanh Hà Nội, trong đó có Hòa Bình. Đó là vị trí cận kề Hà Nội với chỉ 1 giờ di chuyển do có các tuyến đường lớn kết nối như Đại lộ Thăng Long.

Còn chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho hay, Hòa Bình có vị trí lý tưởng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển”, trong đó có mô hình căn nhà thứ hai cho một bộ phận cư dân Hà Nội. “Địa hình và điều kiện tự nhiên Hòa Bình rất phù hợp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” với đồi núi trùng điệp, nhiều hang động như Thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, những hang động thiên tạo đa dạng hình thù trên đỉnh Phù Bua…

“Việt Nam là quốc gia hội nhập sau nhưng giờ đây đã đi đầu trong việc ký các hiệp định kinh tế. Đặc biệt, các quốc gia phương Tây đang tìm đến các nền văn hoá châu Á. Việt Nam là một điểm đến vô cùng hấp dẫn để đầu tư khai thác các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh đó, Hoà Bình là điểm đến của nhà đầu tư vô cùng tiềm năng trong tương lai. Hoà Bình còn được ví như “của để dành” và đã đến lúc cần được khai thác, phát huy những giá trị, ưu thế sẵn có”, PGS.TS. Trần Kim Chung nhận định.

Dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Hòa Bình (Ảnh minh hoạ: Dự án Sakana Spa & Resort Hoà Bình)

Với những lợi thế sẵn có, Hòa Bình là lựa chọn hấp dẫn của các chủ đầu tư lớn, đặc biệt là các dự án quy mô, tập trung vào phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Hiện, Hòa Bình có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai thực hiện với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, mang đến những cơ hội gia tăng giá trị cao, hấp dẫn giới đầu tư.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Hòa Bình đã thu hút sự quan tâm, triển khai các dự án quy mô của những doanh nghiệp lớn trên thị trường như: Vingroup, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn An Thịnh, Apec Group, Công ty Địa ốc Sài Gòn, Beru Group, Công ty Archi Reenco Hòa Bình,…

Kết

Với nguồn đầu tư lớn này, diện mạo của Hòa Bình sẽ được thay đổi nhanh chóng, trở thành một “thủ phủ” nghỉ dưỡng đầy hấp dẫn cho các du khách trải nghiệm không gian xanh, tĩnh lặng. Đặc biệt, các dự án du lịch nghỉ dưỡng sắp tới hứa hẹn thu hút giới giàu có, mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều nhà đầu tư đã nhanh tay sở hữu bất động sản tại những khu vực “nóng” như Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi, thành phố Hòa Bình. Dòng tiền đổ về Hòa Bình được dự báo sẽ ngày càng lớn cùng với sự phát triển của địa phương này.

Trả lời

Liên hệ bộ phận kinh doanh
  • Liên hệ bộ phận kinh doanh
  • 0941559666